Nhằm tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức về chính sách chi trả DVMTR đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tổ chức 36 hội nghị tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các văn bản có liên quan tại các xã trên địa bàn huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk R’lấp và Thị xã Gia Nghĩa với 1327 người tham gia.
(Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR tại xã Đắk Đrô – huyện Krông Nô)
Tại Hội nghị, các hộ dân tham gia đã được tuyên truyền một số nội dung về chính sách chi trả dịch vụ theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ; Nghị định 147/2016/NĐ-CP, ngày 02/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Thông tư 22/2017/TT-BNNPTNT, ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Thông tư 04/2018/TT-BTC, ngày 17/01/2018 của Bộ tài chính về hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng và các kết quả đạt được sau hơn 07 năm triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Với phương pháp trao đổi trực tiếp, kết hợp cùng với cái hình ảnh, video và phóng sự minh họa, các cán bộ tuyên truyền của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông đã giúp người dân giải đáp được những thắc mắc về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng - một chính sách vẫn còn khá mới mẻ với người dân ở các khu vực còn ít được hưởng lợi từ rừng.
(Một hộ dân đưa ra ý kiến thắc mắc cho báo cáo viên giải đáp tại xã Quãng Phú – huyện Krông Nô)
(Một hộ dân đưa ra ý kiến thắc mắc cho báo cáo viên giải đáp tại xã Tâm Thắng – huyện Cư Jút)
(Người dân xã Nghĩa Thắng – Huyện Đắk R’lấp tham dự hội nghị)
Trước đây, do tư duy và nhận thức của một số ít hộ dân còn hạn chế, nên vì cái lợi trước mắt mà họ đã khai thác, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Sau khi được tham dự hội nghị về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, họ đã nâng cao được nhận thức về tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của mỗi người. Đồng thời, rất vui mừng khi biết được chính sách không chỉ thu hút những người dân sống gần rừng tham gia bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm của người dân với rừng mà còn giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, giúp cải thiện đời sống đặc biệt là những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Rừng không những mang lại những giá trị tài nguyên mà còn giúp bảo vệ đất, chống xói mòn và điều tiết nguồn nước, … Bảo vệ rừng cũng là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta và cho tương lai của các thế hệ mai sau./.
Thu Hằng
Bản in