Đắk Nông nỗ lực bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông Sêrêpốk

Ngày đăng tin: 26.06.2021 02:35
Thời gian qua, các hoạt động sản xuất nông nghiệp ven bờ, khai thác cát, xây dựng đập thủy điện... đã ảnh hưởng đến sông Sêrêpốk. Nguồn lợi thủy sản do vậy cũng bị suy giảm. Trước thực trạng này, Đắk Nông đã dành nhiều sự quan tâm để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.

Cảnh báo suy giảm nguồn lợi thủy sản

 

Những năm trước đây, ở các xã Tâm Thắng, Ea Pô (Chư Jút), Nâm N’đir, Đức Xuyên, Quảng Phú, Buôn Choáh (Krông Nô), luôn có những xóm hành nghề chài lưới trên sông Sêrêpôk. Với họ, nghề chài lưới, đánh bắt cá mang lại nguồn thu nhập, sánh ngang với trồng ngô, trồng lúa.

 

Các loại cá “đặc sản” hiếm dần.  Người dân xã Buôn Choáh thường chủ yếu bắt cá diêu hồng, cá chép thoát ra từ các ao hồ của người dân

 

Anh Trần Văn Sơn, ở xã Đức Xuyên, trước đây là một người chuyên chài lưới. Anh Sơn cho biết, bây giờ đánh bắt chủ yếu là các loài cá truyền thống như rô phi, diêu hồng, trắm, chép, mè, trôi,… Cá vẫn có nhưng không dồi dào như xưa. Các loại cá có trọng lượng lớn ngày càng ít.

 

Các loại cá đặc sản trước đây như mõm trâu, cá lăng, cá leo… tần suất bắt được ngày càng hiếm. Các ít đi, thu nhập giảm nên nhiều người làm nghề chài lưới ven sông ở các xã Quảng Phú, Buôn Choáh hay Tâm Thắng, Ea Pô…  đã giải nghệ.

 

Theo bà Phan Thị Lệ Anh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, thuộc Bộ Nông nghiệp – PTNT, từ khi các thủy điện Đ’ray H’ling 2, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah đi vào hoạt động (từ năm 2007 - 2009), lượng cá trên sông có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, sản lượng cá đánh bắt được giảm còn khoảng 300 tấn/năm so với 1.000 tấn vào năm 2005. Nguyên nhân chính gây suy giảm nguồn lợi thủy sản trên dòng Sêrêpốk. Việc xây dựng các đập chắn ngang dòng sông đã chặn đường di cư của cá, khiến chúng không thể lên trung, thượng nguồn để sinh sản hoặc quay về hạ nguồn. Từ đó làm gián đoạn chu trình sinh lý thiết yếu của cá như đẻ trứng, nhân giống, tăng trưởng đàn…

 

"Ngoài ra, tình trạng khai thác cát, sản xuất nông nghiệp cũng góp phần làm cho nguồn cá trên sông vơi đi, trong khi nguồn tái tạo lại bị hạn chế ", bà Phan Thị Lệ Anh cảnh báo.

 

Ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông nỗ lực tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng việc thả các giống cá quý đặc trưng của sông Sêrêpốk

 

Nỗ lực để bảo vệ, tái tạo nguồn thủy sản

 

Trước tình trạng suy kiệt nguồn lợi thủy sản trên sông Sêrêpốk, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã triển khai chương trình khai thác và phát triển nguồn gen các loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao. Theo đó, ngành Thủy sản tỉnh đã đặt hàng cho các đối tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất giống và nuôi các loài cá bản địa. Tỉnh cũng tiếp nhận công nghệ và phát triển sản xuất giống cung cấp cho các cơ sở ươm nuôi vệ tinh, người nuôi trồng thủy sản và phục vụ công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Sêrêpốk.

 

Nhiều năm qua, công tác xã hội hóa trong tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng được Đắk Nông thực hiện bằng việc phát động nhiều đợt thả cá giống tại các hồ thủy lợi, thủy điện (mỗi năm thả khoảng 10 vạn cá giống được thả) nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản đã bị khai thác cạn kiệt. Năm 2019, Sở Nông nghiệp – PTNT Đắk Nông  đã thả  863 kg cá giống (tương đương 43.075 con) gồm các loại cá trắm cỏ, chép, rô phi, cá lăng… Cùng với đó, ngành chuyên môn đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các ngư cụ phù hợp, không khai thác thủy sản vào mùa sinh sản và các bãi đẻ của cá, bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm, bản địa có nguy cơ tuyệt chủng.

 

 

Theo Dự án Quản lý nghề cá lưu vực sông Mê Kông, năm 2010, sông Sêrêpốk có 195 loài cá thuộc 98 giống trong 32 họ, 12 bộ. Trong đó, có 34 loài cá được xác định là loài kinh tế, chiếm 17,4% tổng số loài. Đến nay, ngành chuyên môn đã xác định được 5 loài cá quý hiếm trên sông Sêrêpók có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài bị đe dọa với mức từ nguy cấp tới sẽ nguy cấp theo danh mục Sách đỏ.

 

 

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đắk Nông thì thời gian qua, để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, đơn vị đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến luật Thủy sản đến cộng đồng làm nghề khai thác thủy sản ở các sông và hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đã phần nào nâng cao nhận thức của ngư dân đối với việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh cũng tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn về khai thác thủy sản hợp lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các lớp tập huấn về chuyển đổi ngành nghề và sinh kế thay thế cho ngư dân ở các sông, hồ chứa. Đơn vị cũng xây dựng các mô hình quản lý nghề cá nhằm khai thác hợp lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững…

 

                                                                                                                                                 Nguồn: baodaknong.gov.vn


Bản in

Tin khác
 
Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 13CT-TTg ngày 03102022 của UBND tỉnh về việc tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (03.01.2023 16:19)
Không mở rộng quy mô nuôi thủy sản trên hồ Tà Đùng (31.03.2022 15:48)
Chuyển biến tích cực trong chi trả dịch vụ môi trường rừng (09.11.2021 02:51)
Đánh giá lại năng lực các chủ rừng để giao đất, giao rừng phù hợp (04.11.2021 02:47)

Thống kê Lượng truy cập
Đang online
Hôm nay
Số lượng truy cập